TRƯỜNG THPT HOÀI ĐỨC B – 40 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Bài viết đăng trên báo Giáo dục Thời đại
Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thành lập Trường ( 1978 – 2018)
TRƯỜNG THPT HOÀI ĐỨC B – HÀ NỘI:
40 xây dựng và phát triển
Có một ngôi trường rợp bóng cây xanh nằm ở phía Nam huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội- ngôi trường có những hàng cây xà cừ cao lớn, xòe rộng, tán lá rì rào hát bản tình ca 40 mươi mùa hoa – Trường THPT Hoài Đức B.
Mang trong mình niềm tự hào của ngôi trường với lịch sử gần nửa thế kỷ, các thế hệ thầy và trò nhà trường đã và đang say mê cống hiến để mang đến cho đời những hoa thơm, trái ngọt…
DẤU ẤN TỰ HÀO
Trước năm 1978, cả Huyện Hoài Đức chỉ có một trường cấp 3 Sơn Đồng nằm ở phía Bắc của Huyện. Việc đi lại học tập của con em nhân dân các xã phía Nam huyện gặp nhiều khó khăn, nhiều học sinh đã phải nghỉ học giữa chừng. Mơ ước của nhân dân các xã phía Nam huyện là có thêm một trường cấp 3 để con em có điều kiện được tiếp tục đi học và học cao hơn nữa.
Hiểu được nguyện vọng của nhân dân, ngày 25/11/1978, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Sơn Bình đã ra Quyết định số 602/QĐ-UBND thành lập trường cấp 3 Hoài Đức B. Năm học 1978-1979, trường cấp 3 Hoài Đức B gồm có 8 lớp (3 lớp 9 chuyển từ trường cấp 3 Sơn Đồng và tuyển mới 5 lớp 8) với 15 thầy, cô giáo và CBNV. Do trường chưa xây dựng kịp nên học sinh phải học nhờ tại Trường Cấp II xã An Khánh. Sau 10 tháng, với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Hoài Đức, sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân các xã, đặc biệt là chính quyên, nhân dân địa phương xã An Khánh;sự nỗ lực không ngại khó khăn, gian khổ, không quản ngày đêm của CBGV,NV và HS một ngôi trường mới với tường xây ngói đỏ đã hiện ra trong niềm vui phấn khởi của các thầy, cô giáo, học sinh và nhân dân các xã phía Nam Huyện. Ngày 05/9/1979, thầy và trò nhà trường đã được đón Lễ khai giảng tại ngôi trường mới mang tên Trường cấp 3 Hoài Đức B. Từ đây con đường học tập để lập nghiệp của con em nhân dân các xã phía Nam Huyện được rộng mở.
Những năm đầu mới thành lập, nhà trường khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể BGH đứng đầu là thầy giáo Phan Huy Các – Hiệu trưởng đầu tiên, nhà trường đã nhanh chóng ổn định đội ngũ. Các thầy cô giáo đã kịp thời bắt nhịp với phong trào dạy và học của các trường cấp 3 trong Tỉnh.
Từ 8 lớp với 15 thầy, cô giáo trong năm học 1978 – 1979 đến năm 1988, trường đã có 23 lớp. Để tạo điều kiện học tập cho các em các xã vùng hữu Đáy, cuối năm 1988, trường thành lập phân hiệu thứ 2 chuyển 2 lớp về học tại xã Tân Hòa và làm cơ sở cho sự ra đời của Trường THPT Hoài Đức C ( nay là trường THPT Cao Bá Quát – Quốc Oai).
40 năm tròn đã đi qua, từ một ngôi trường đơn sơ với 8 phòng học cấp 4 đến nay trường THPT Hoài Đức B đã phát triển trở thành một ngôi trường khang trang với đầy đủ các phòng học, các bộ bộ môn, phòng học đa chức năng với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, nhà thể chất, sân thể thao, khu vui chơi đạt tiêu chuẩn của trường Chuẩn Quốc gia, đáp ứng được sự nghiệp giáo dục của nhà trường.
Từ năm 1988 đến năm 1998:là giai đoạn thầy giáo Nguyễn Duy Phúc tiếp tục làm hiệu trưởng cũng là giai đoạn đa dạng hóa các mô hình học tập,trong nhà trường song song tồn tại mô hình giáo dục phổ thông và bổ túc văn hóa (2 lớp).Quy mô trường lớp tiếp tục được mở rộng; số lớp học tăng lên trên 30 lớp. Đội ngũ CBGV,NV đã tăng lên 65 người. Các thầy cô không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diên học sinh, nâng cao uy tín của nhà trường. Giai đoạn này nhà trường đã bắt đầu có học sinh giỏi toàn diện và có rất nhiều học sinh đã đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng trong đó có những trường Đại học danh tiếng như Đại học Y, ĐH Dược, ĐH Bách khoa, ĐH sư phạm Hà Nội…
Từ năm 1998 đến năm 2008: Trong 10 năm tiếp theo trường tiếp tục tăng mạnh về số lớp, số học sinh; cơ sở vật chất được đầu tư; chất lượng giáo dục được củng cố và nâng cao:
Năm 2000, UBND Tỉnh Hà Tây đầu tư cho trường xây thêm khu nhà 3 tầng gồm 24 phòng học và khu làm việc của CBGV,NV đưa tổng số phòng học lên 32 phòng. Từ đây, diện mạo ngôi trường cũng từng bước đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn.
Năm 2002, thầy giáo Nguyễn Danh Khí được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tây bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Giai đoạn này, nhu cầu học tập của con em nhân dân ngày càng cao, số lớp có thời điểm đã tăng lên 52 lớp với gần 2800 học sinh của hai hệ Bán công và Công lập.Số CBGV,NV cũng đã tăng lên 100 thầy, cô giáo. Nhiều thầy, cô giáo bắt đầu đi học sau Đại học và đến năm 2008, trường đã có giáo viên có bằng Thạc sĩ.
Cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh của nhà trường cũng từng bước được nâng cao. Tỷ lệ học sinh giỏi toàn diện hàng năm đã đạt từ 2,5 đến 4%. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp từ 97% đến 100%. Hàng năm đã có hàng trăm học sinh đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Trường đã có học sinh đỗ Đại học với điểm số 29.0 điểm.
Từ năm 2008 – 2018: Là giai đoạn đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, phương pháp dạy và học, KTĐG, tiếp tục hoàn thiện về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục toàn diện học sinh đạt và vượt các tiêu chí của trường Chuẩn Quốc gia.
Năm 2010, thầy giáo Nguyễn DanhThông được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Mục tiêu của nhà trường giai đoạn này là quyết tâm xây dựng trường THPT Hoài Đức B thành trường THPT Chuẩn Quốc gia. Trên cơ sở những thành tựu đạt được Chi bộ Đảng, BGH nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo CBGV,NV và học sinh tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp quản lý, phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh, nâng cao chất lượng đội ngũ CBGV,NV của nhà trường; tiếp tục tu bổ cơ sở vật chất, tạo cảnh quan môi trường… Đến năm 2017, nhà trường đã đạt và vượt các tiêu chí của trường Chuẩn Quốc gia. Tháng 9/2017, trong Lễ khai giảng, thầy và trò nhà trường đã vui mừng đón nhận bằng công nhận trường THPT Hoài Đức B đạt chuẩn Quốc gia của UBND Thành phố Hà Nội.
40 năm tròn đã đi qua, quãng đường dài ấy các thế hệ thầy cô giáo đã và vẫn miệt mài với giáo án, không quản ngại khó khăn để ươm màu xanh cho đất nước.
Nhiều thầy cô có mặt từ những ngày đầu thành lập trường, lúc đó mái tóc còn xanh như thầy Phan Huy Các, thầy Nguyễn Xuân Dục, thầy Nguyễn Duy Phúc, thầy Nguyễn Văn Thanh, thầy Nguyễn Danh Khí, cô Vũ Thị Dậu, cô Nguyễn Thị Hồng Tuyết, thầy Nguyễn Văn Hoan, thầy Đỗ Anh Nô, cô giáo Nguyễn Thị Diệu…
Tới hôm nay, các thầygiáo, cô giáo mái tóc đã điểm bạc song tấm lòng, tình cảm vẫn hướng về mái trường THPT Hoài Đức B thân yêu. Còn với các thế hệ học trò của trường từ đây đã tỏa đi khắp các miền quê của Tổ quốc, họ là những nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, bộ đội, các doanh nhân, công nhân, những người lao động trên đồng ruộng… đã và đang làm rạng danh cho quê hương đất nước.
Trong chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển của nhà trường nhiều thầy giáo, cô giáo đã được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT, của Chủ tịch UBND Thành phố, của Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao tặng; nhiều thầy cô đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, GVCN giỏi, GVDG cấp Thành phố… như thầy giáo Nguyễn Văn Tiến, cô giáo Hoàng Tố Nga, thầy giáo Nguyễn Danh Thông, cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, cô giáo Hà Thị Minh Nguyệt, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, cô giáo Nguyễn Thị Huyền, cô giáo Hoàng Thị Quyên, cô giáo Nguyễn Thị Tố Uyên, thầy giáo Nguyễn Đắc Long, cô giáo Nguyễn Thu Hiền, cô giáo Nguyễn Thị Tuyên, cô giáo Nguyễn Thị Hiến, cô giáo Nguyễn Thị Mị, thầy giáo Nguyễn Đình Thanh, cô giáo Phí Thị Bích Liên…
40 năm xây dựng và trường thành,với một đội ngũ nhà giáo có tinh thần vượt khó,vừa hồng vừa chuyên cùng các thế hệ học sinh đã tạo nên bề dày truyền thống cho ngôi trường THPT Hoài Đức B – Thật đáng tự hào.
KIẾN TẠO TƯƠNG LAI
Chia sẻ về công tác giáo dục của nhà trường hiện nay, Th.s Nguyễn Danh Thông – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
Giáo dục và Đào tạo đang bước vào thời kỳ đổi mới căn bản và toàn diện, Nhà trường luôn ý thức rõ nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm của mình đó là không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh; tạo ra các thế hệ học sinh có đạo đức, có tri thức, có kỹ năng sống, có nhân cách và sức khỏe, sẵn sàng bước vào cuộc sống hội nhập, đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới.
Trong những năm gần đây, nhà trường đã không ngừng tập trung củng cố và nâng cao chất lượng công tác quản lý, nâng cao công tác dạy và học, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, chú trọng về cơ sở vật chất, đẩy mạnh công tác gắn kết nhà trường với xã hội và nhân dân địa phương…Để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình theo nhà giáo Nguyễn Danh Thông, trước hết trường chú trọng năng lực của giáo viên. Tính đến nay, nhà trường đã có 27 CBGV có bằng Thạc sĩ ( đạt tỷ lệ 31%),100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo; đội ngũ cán bộ giáo viên luôn được bồi dưỡng thường xuyên. Nhà trường thực hiện tốt các yêu cầu về công tác quản lý của ngành giáo dục.
Các thầy giáo, cô giáo bằng sự tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh đã và luôn tìm tòi, sáng tạo trong cách dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh và luôn quan tâm giáo dục, đức dục, trí dục và kỹ năng sống trong mỗi giờ lên lớp…
Nhà trường cũng duy trì tốt các hoạt động văn nghệ, TDTT, HĐNGLL, theo dõi và chăm sóc sức khỏe nhằm phát triển toàn diện cho các em.
Trong công tác XHHGD, mối quan hệ giữa nhà trường với chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể luôn gắn bó, phối hợp tốt để hoàn thành nhiệm vụ năm học. Ban đại diện CMHS của trường đã và đang hoàn thành tốt vai trò cầu nối giữa nhà trường với cha mẹ học sinh, giúp trường phát huy và điều chỉnh các hoạt động giáo dục một cách hiệu quả.
Có thể khẳng định, với sự đoàn kết nhất trí cao của tập thể sư phạm nhà trường, sự linh hoạt, mạnh dạn đổi mới toàn diện mà khâu đột phá là xây dựng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục và giảng dạy, thực chất trong đánh giá; xây dựng nền nếp, kỷ cương trong quản lý… đã giúp nhà trường có những bước tiến nhanh cả về quy mô và chất lượng giáo dục toàn diện. Trường THPT Hoài Đức B trở thành một địa chỉ tin cậy về “dạy chữ, rèn người”.
Phát huy truyền thống tốt đẹp đã tạo dựng được trong chặng đường dài 40 năm qua. Bước vào chặng đường tiếp theo trường THPT Hoài Đức B sẽ tập trung vào thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Đó là đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo; tập trung các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng dạy – học theo hướng phát huy năng lực của học sinh, tiếp cận chương trình và SGK mới; huy động các nguồn lực cho công tác giáo dục toàn diện của nhà trường.
Tăng cường các hoạt động giáo dục toàn diện như: giáo dục đạo đức, lối sống, tạo khả năng tự học, sáng tạo của học sinh; Thực hiện tốt và xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực học sinh văn minh thanh lịch. Không ngừng đầu tư, nâng cấp trang thiết bị dạy học, nhất là các trang thiết bị dạy học hiện đại…
40 năm qua Trường THPT Hoài Đức B đã trở thành vườn ươm những tài năng và bồi đắp nhân cách con người Việt Nam cho bao thế hệ học sinh.Những thành tựu trong chặng đường 40 năm qua của trường THPT Hoài Đức B đã và đang gắn liền với công sức của nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh. Các thế hệ thầy cô và học sinh đã vun đắp nên truyền thống vẻ vang của nhà trường. Những bước đi đúng hướng, hiệu quả, trong suốt 40 năm qua là cơ sở vững chắc để Thầy và trò hôm nay, mai sau tiếp tục đưa nhà trường phát triển toàn diện xứng đáng với niềm tin của nhân dân và là điểm sáng của giáo dục Thủ đô./.