Đại thắng Mùa xuân năm 1975 – Chiến thắng của sức mạnh đoàn kết và lòng tự hào dân tộc
Lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam có hàng chục cuộc chiến tranh lớn, trong đó rất nhiều cuộc chiến mà nhân dân ta đã kết thúc bằng chiến dịch quân sự với những trận quyết chiến chiến lược vô cùng oanh liệt.Trong kí ức hào hung ấy của hàng triệu người dân Việt Nam, không ai có thể quên chiến thắng quân sự oanh liệt- Đại thắng mùa xuân năm 1975. Kết thúc “cuộc chiến tranh” 30 năm giành độc lập, tự do của nhân dân ta.
Xe tăng Quân giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975. Ảnh: tư liệu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại trong cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng: “Giữa hai phương án cơ bản, một là bao vây dài ngày tạo điều kiện rồi dứt điểm, hai là tiến công táo bạo từ đầu, đánh nhanh, dứt điểm nhanh, thì nay nên chọn phương án 2, tức là làm thật nhanh, thật táo bạo, đồng thời có sự chuẩn bị trong điều kiện nào đó nếu cần thì chủ động chuyển sang phương án 1 cũng nhằm giành thắng lợi cuối cùng trong một thời gian ngắn. Với lực lượng sẵn có, cần hành động kịp thời để lợi dụng mọi thời cơ cụ thể do địch hoang mang và lúng túng đưa lại, tiến công liên tiếp, giành thắng lợi liên tiếp, làm đảo lộn mọi mưu đồ chấn chỉnh lực lượng hoặc tăng cường viện trợ của Mỹ”.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành được thắng lợi vang dội đầu tiên với trận mở đầu Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây Nguyên, tiếp đó là Chiến dịch Huế – Đà Nẵng, Chiến dịch Xuân Lộc và cuối cùng là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng của quân giải phóng tungbay trên cột cờ cao nhất Dinh Độc Lập, đánh dấu thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Chỉ 5 ngày quyết chiến chiến lược (từ 26-30/4/1975), Chiến dịch Hồ Chí Minh đã làm tan rã toàn bộ chính quyền, quân đội, cảnh sát của Việt Nam Cộng hòa từ Trung ương đến các địa phương còn lại ở miền Nam, gồm trên 45 vạn quân; tịch thu 500 khẩu pháo, hơn 400 xe tăng, xe thiết giáp, 800 máy bay, 600 tàu chiến, 270.000 khẩu súng các loại, 3.000 xe quân sự cùng nhiều kho tàng, dự trữ chiến tranh tích lũy trong 20 năm; toàn bộ lực lượng cố vấn quân sự còn lại của Mỹ ở Việt Nam phải rút chạy.Chiến dịch Hồ Chí Minh làm được điều kỳ diệu, hiếm có trong lịch sử chiến tranh: Giải phóng thành phố Sài Gòn hầu như nguyên vẹn, hạn chế đổ máu và ít tổn thất. Đề ra phương châm tác chiến chiến dịch: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, nhưng tài thao lược theo cách “Đánh bằng mưu kế, thắng bằng thế thời”, kết thúc chiến tranh có lợi nhất cho sự phát triển của đất nước. Giống các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã từng bước phát triển sáng tạo đến đỉnh cao nghệ thuật quân sự truyền thống, Chiến dịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là chiến dịch tiếp tục phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam lên tầm cao mới.Đó là nghệ thuật tập trung lực lượng quân sự lớn nhất, hình thành ưu thế áp đảo địch ở ngay trung tâm đầu não của chúng; hình thành thế trận bao vây chặt dựa trên lực lượng mạnh cả quân sự và chính trị, trong đó lực lượng vũ trang chủ lực cơ động chiến lược giữ vai trò nòng cốt, quyết định và đi trước một bước; thực hiện hiệp đồng các quân binh chủng, các hướng tiến công, các binh đoàn chủ lực với lực lượng địa phương.
Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đã hoàn thành trọn vẹn mục tiêu “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra; giải phóng toàn bộ miền Nam Việt Nam, chấm dứt 21 năm chia cắt đất nước, đưa đến sự thống nhất, độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền, vùng trời, vùng biển; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn bộ Tổ quốc Việt Nam.
Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch tiến công lớn chưa từng có trên chiến trường Việt Nam, vượt xa các chiến dịch lớn trước đó cả về quy mô lực lượng, cường độ, nhịp độ tiến công, nội dung tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, mức độ hoàn thành triệt để nhiệm vụ chiến lược, cũng như mục đích chính trị của chiến tranh cách mạng Việt Nam.Chiến dịch lấy tên “Hồ Chí Minh” mang tầm vóc đại thắng của dân tộc, một chiến công hiển hách dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ngọn cờ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, cả trong sự nghiệp kháng chiến cứu nước đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chiến dịch vĩ đại ấy được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Lịch sử của mỗi dân tộc cũng như của cả nhân loại luôn vận động và biến đổi không ngừng.Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, thành quả kỳ diệu của cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống lại một đế quốc giàu có nhất, hùng mạnh nhất, vô cùng nham hiểm, tàn bạo, kéo dài suốt năm đời tổng thống Mỹ, chắc chắn là một trong số những sự kiện mà các nhà khoa học, các nhà chính trị, nhất là các nhà quân sự và các nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh sẽ còn phải bàn đến trong nhiều năm nữa. Bởi vì, đường lối, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và kết thúc chiến tranh tuyệt vời của Đảng Cộng sản Việt Nam, tầm vóc và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam, nhất là của trận đại thắng đó, không chỉ thật sự vĩ đại đối với dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX, mà còn mang ý nghĩa lịch sử tầm cỡ thế giới, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào giải phóng các dân tộc bị đô hộ, bị áp bức trên các châu lục.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương tại Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1976) đánh giá rất đúng đắn rằng, “năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(1).
Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, vô cùng gian khổ nhưng hết sức vẻ vang, chống lại mưu đồ đen tối của đế quốc Mỹ xâm lược, không chỉ muốn áp đặt ách thống trị thực dân cả kiểu cũ lẫn kiểu mới, mà còn muốn đưa đất nước ta trở lại “thời kỳ đồ đá”, để giành lại độc lập hoàn toàn và thống nhất Tổ quốc trước hết là thắng lợi của sức mạnh niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa, vào thắng lợi cuối cùng; của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng và khối đại đoàn kết dân tộc; của lòng nhân ái bao la đã trở thành những giá trị cốt lõi hun đúc thành sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh trường tồn của niềm tự hào. Để mỗi người dân Việt Nam đã đi qua những ngày chiến tranh giữ đất, giữ nước, giữ linh hồn dân tộc mãi mãi nhớ về đại thắng mùa Xuân năm 1975 với niềm tự hào bởi đó là thắng lợi của trí tuệ con người, của sức mạnh con người, của niềm tin sắt đá của cả một dân tộc. Niềm tin bất diệt vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp chính nghĩa được dẫn dắt bởi một đường lối và một nghệ thuật lãnh đạo tài tình, sáng suốt của một Đảng cách mạng kiên cường.Chính sức mạnh đó đã chiến thắng sức mạnh của mọi loại vũ khí tàn sát vô nhân đạo, dã man và tàn ác của kẻ thù. Nhà báo Duylơrannút đã khẳng định: “Sức mạnh duy nhất của Việt Nam là sức mạnh của con người”.Chính niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc, vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu khi Người còn sống, vào chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, vào sự tất thắng của đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vào sức mạnh của “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”. Niềm tin đó đã thôi thúc cả dân tộc ta không quản hy sinh, gian khổ, tù đầy, tra tấn để tự nguyện xông pha vào cuộc trường chinh ròng rã suốt mấy chục năm trời, để vượt qua những thời điểm cực kỳ hiểm nghèo và vô cùng khó khăn tưởng như “ngàn cân treo sợi tóc”.Niềm tin đó là nguồn sức mạnh vô địch đã thôi thúc, động viên hàng triệu người Việt Nam từ trẻ đến già, khắp mọi miền của Tổ quốc lên đường phục vụ tiền tuyến, cầm súng diệt giặc, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với tinh thần “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng, sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, còn vừa là sự thể hiện, vừa là thắng lợi của lòng bao dung, lòng nhân ái cao cả, là một minh chứng về chủ nghĩa nhân văn đã được đúc kết thành một giá trị vĩnh hằng trong lịch sử dân tộc ta!
Người viết
Cô giáo: Nguyễn Thị Tuyên – GV môn Lịch sử
Trường THPT Hoài Đức B