Dấu hiệu cơ bản để nhận dạng các loại biểu đồ trong bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý
Nhận dạng biểu đồ là kiến thức trọng tâm mà các em học sinh cần nắm vững, được ứng dụng rất nhiều trong học tập. Trong các bài bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý thì phần nhận dạng biểu đồ hầu như đề thi nào cũng có. Để giúp các em nhận dạng biểu đồ một cách nhanh và chính xác nhất thì cần nắm vững những dấu hiệu cơ bản sau đây:
1. Dạng biểu đồ hình tròn
Điều kiện đầu tiên: trong yêu cầu của đề bài có từ khóa: “cơ cấu”. Khi đó dù đơn vị trong bảng là gì thì vẫn phải chọn biểu đồ tròn. Trường hợp trong yêu cầu của đề bài có từ “ tỉ trọng”, “tỉ lệ’’ …và đơn vị là % thì biểu đồ tròn cũng được xem là biểu đồ thích hợp nhất.
Điều kiện thứ hai: số năm trong bảng số liệu phải nhỏ hơn hoặc bằng ba năm
2. Dạng biểu đồ đường biểu diễn
Thường có các từ gợi mở như: “tăng trưởng”, “biến động”, “phát triển”, “tốc độ tăng trưởng” (%)…và kèm theo là một chuỗi thời gian “qua các năm từ… đến…” thường ≥ 4 năm.
3. Dạng biểu đồ cột
Thể hiện: hơn, kém; nhiều, ít; so sánh các yếu tố; tình hình phát triển. => để thể hiện quy mô, độ lớn, khối lượng, số lượng, sản lượng, giá trị, tình hình phát triển, tình hình sản xuất của các đối tượng địa lý.
Đơn vị thường có dấu gạch chéo (/): người/km, USD/người, kg/người, lượng mưa/năm, tạ/kg…
4. Dạng biểu đồ kết hợp
Thể hiện mối tương quan giữa độ lớn và động thái phát triển: quy mô, cơ cấu và sự biến đổi; quy mô và sự phát triển; quy mô, cơ cấu và tình hình phát triển.
Ví dụ thể hiện: diện tích và sản lượng lúa/ cà phê… qua các năm; lượng mưa và nhiệt độ; số dự án và số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài vào Việt Nam qua các năm; diện tích lúa mùa/ lúa đông xuân trong tổng diện tích lúa cả nước …
Điều kiện: có 2 đơn vị khác nhau theo chuỗi thời gian.
5. Dạng biểu đồ miền
Dạng biểu đồ này cũng dùng để thể hiện cơ cấu, tỉ trọng nhưng số năm trong bảng phải lớn hơn hoặc bằng bốn năm.
Chúc các em ôn tập và làm bài thật tốt!
Người viết: Bùi Thị Hải