Nâng cao kỹ năng làm bài nghị luận văn học cho học sinh tham gia kì thi tốt nghiệp thpt

         Trong chương trình Ngữ văn 12, các tác phẩm – đoạn trích chiếm dung lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Vì thế, trong đề thi câu hỏi nghị luận văn học luôn chiếm một tỷ lệ cao: 50 % . Thực tế hiện nay việc đổi mới giáo dục đang là nhu cầu bức thiết, cách ra đề kiểm tra, đánh giá cũng cần phải đổi mới theo để đáp ứng sự phát triển của xã hội và khả năng nhận thức của các em. Câu hỏi Nghị luận văn học sẽ đa dạng, phong phú hơn và khó hơn, yêu cầu cao hơn về việc hiểu đề và xây dựng hệ thống luận điểm. Chính vì vậy trong quá trình dạy, học và ôn tập đòi hỏi cả giáo viên và học sinh phải chú ý tiếp thu nhanh nhạy, bài bản không chỉ kiến thức cơ bản trọng tâm về các tác phẩm văn học mà còn cần nắm vững kĩ năng làm từng dạng bài nghị luận văn học.

          Qua quá trình giảng dạy, tôi nhận thấy khả năng phân tích, nhìn nhận vấn đề của một số học sinh lớp 12 còn chưa tốt ở kĩ năng làm bài. Trong khi đó, trong chương trình Ngữ văn lớp 12, phân môn Làm văn chiếm vị trí nhỏ bé, chưa hình thành cho học sinh những kỹ năng phân tích các dạng đề, cách xây dựng luận điểm.

Do vậy, để bài học Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ; Nghị luận về một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi (Ngữ văn 12, tập1, 2) và bài Ôn tập phần Làm văn thật sự hiệu quả, giáo viên cần cung cấp cho học sinh các kiến thức và kỹ năng trên, sau đó cho học sinh tiến hành luyện tập với bài tập ở sách giáo khoa và những bài tập minh họa tương ứng. Trong các bài kiểm tra định kỳ và các giờ trả bài, phần nghị luận văn học, chúng ta vừa cho học sinh luyện tập, củng cố và uốn nắn những sai sót.

Thông qua việc hướng dẫn các em học sinh ôn luyện kiến thức lý thuyết, lưu ý cách làm bài, luyện tập các dạng nghị luận văn học, người thầy sẽ nâng cao chất lượng làm bài nghị luận văn học của học sinh THPT nói chung, học sinh trường THPT Hoài Đức B nói riêng, nhất là các em học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kì thi Tốt nghiệp THPT. Vì thế, các em học sinh cần hướng tới các mục đích cụ thể sau:

– Nắm vững những kiến thức làm văn

– Nhận diện, phân loại các dạng câu hỏi nghị luận văn học.

– Hiểu được kĩ năng làm bài để đạt kết quả cao.

– Luyện tập một số đề nghị luận văn học để rèn kĩ năng làm bài.

– Góp phần nâng cao chất lượng bộ môn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

    Qua đó các em có thể tổng kết kinh nghiệm về các dạng đề phổ biến, hay xuất hiện trong các kỳ thi tốt nghiệp những năm gần đây. Vì thế, nó rất thiết thực cho học sinh làm tốt các thao tác làm bài văn nghị luận văn học.

– Giúp nhận diện đúng các dạng đề, xác định đúng trọng tâm yêu cầu đề bài.

– Giúp học sinh chủ động xây dựng các luận điểm, luận cứ đầy đủ, sát đúng với đáp án chấm của kì thi. Tránh các hiện tượng lạc đề, lạc ý, thiếu ý, sắp xếp ý lộn xộn, hay viết lan man, kể lể dài dòng về tác phẩm mà không đạt được các yêu cầu của đề ra.

– Giúp mạnh dạn đánh giá mức độ thành công về nội dung chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm văn học, tránh đánh giá chung chung, xa lạ với tác phẩm. Tránh lối học thuộc lòng bài từ sách vở hay văn mẫu.

– Nếu chúng ta cung cấp đầy đủ các dạng đề, các ý cần phải có ở mỗi đề bài, và thực hiện luyện tập nhiều qua các bài kiểm tra thường xuyên, các đợt kiểm tra định kỳ, thi thử…học sinh sẽ làm bài tốt hơn, đạt điểm cao hơn trong các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Với những dạng đề chính như vậy, chúng ta sẽ lồng ghép trang bị kiến thức lý thuyết, củng cố và luyện tập, chỉnh sửa cho học sinh ở những tiết học. Đặc biệt, trong quá trình ôn tập cho học sinh hàng ngày, học sinh sẽ được luyện tập nhuần nhuyễn hơn qua đó giúp học sinh nâng cao kỹ năng làm bài nghị luận văn học trong các bài kiểm tra định kỳ cũng như trong kỳ thi tốt nghiệp THPT./.

                                                                     Người viết: Nguyễn Liên