Một vài trao đổi khi xây dựng kế hoạch bài dạy lớp 10 năm học 2022 – 2023

      Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ và của Sở GD&ĐT mới đây về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học phổ thông mới, không bắt buộc các nhà trường, tổ chuyên môn và giáo viên thực hiện theo các phụ lục về mẫu giáo án, khung kế hoạch dạy học, môn học… của công văn 5512 ngày 18/12/2020 của Bộ GD&ĐT, mà thực hiện văn bản 2613 ngày 23/6/2021 của Bộ. Tuy nhiên, trong thực tiễn giảng dạy, cá nhân tôi nhận thấy mẫu giáo án trong phụ lục 4 của Công văn 5512 có nhiều ưu điểm trong dạy học phát triển năng lực học sinh. Nếu biết tiếp thu có chọn lọc và sáng tạo những ưu điểm này, chúng ta sẽ đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm soạn giáo án theo 4 hoạt động ở các môn học ngắn gọn và hiệu quả:

1. Thấu hiểu tinh thần đổi mới trong mẫu giáo án:

      Bước đầu tiên là giáo viên cần hiểu được mẫu giáo án mới. Nếu không đọc kĩ, hiểu sâu về tinh thần của mẫu thiết kế bài học thì bài soạn của giáo viên sẽ chỉ là sự rập khuôn, sao chép máy móc, không thể áp dụng trong thực tế giảng dạy.

      Như vậy, ở mỗi hoạt động, giáo viên cần tập trung vào tổ chức các hoạt động để học sinh “làm” và qua đó các em nắm được nội dung bài học, phát triển năng lực và phẩm chất của bản thân. Tinh thần đó nhất quán với mục tiêu, nguyên tắc dạy học, phương pháp dạy học tích cực sẽ được áp dụng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

2. Những lưu ý khi thiết kế các hoạt động dạy học:

      Căn cứ vào mục tiêu, nội dung bài dạy, điều kiện học tập, năng lực của đối tượng học sinh lớp giảng dạy, giáo viên thiết kế 4 hoạt động của bài học/chủ đề học tập. Các hoạt động thực hiện trong một bài dạy được thực hiện trong 1 hoặc nhiều tiết học, không nhất thiết tiết dạy nào cũng phải thực hiện đủ 4 hoạt động như trong thiết kế mẫu. Ví dụ các tiết thực hành, ôn tập có thể thiết kế gồm 2 hoạt động: Mở đầu  luyện tập.

      Hoạt động 1: Xác định vấn đề/nhiệm vụ học tập/Mở đầu:

      Không nên đánh đồng hoạt động này với hoạt động “khởi động” trong giáo án truyền thống. Hoạt động “khởi động” mục tiêu chủ yếu là tạo hứng thú cho học sinh, thiết lập một liên hệ với bài học mới. Còn mục tiêu của hoạt động mở đầu là giúp học sinh xác định được vấn đề/ nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề/thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học.

      Để thiết kế hoạt động này, bên cạnh các hoạt động khởi động như xem video, hình ảnh, trò chơi giải ô chữ… giáo viên có thể sử dụng một phần của kĩ thuật KWL, cho học sinh ghi ra những điều đã biết, muốn biết về bài học (KW). Giáo viên nên giao nhiệm vụ cho học sinh dưới dạng phiếu học tập, học sinh chuẩn bị trước và trình bày sản phẩm trên lớp. Sau đó giáo viên đưa ra những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà học sinh phải thực hiện trong bài học (có thể là 1 hoặc nhiều tiết)

      Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới/giải quyết vấn đề/thực thi nhiệm vụ đặt ra từ Hoạt động 1:

      Từ nhiệm vụ học tập ở hoạt động 1, giáo viên thiết kế thành các nhiệm vụ cụ thể và tổ chức cho học sinh hoạt động để thông qua đó các em chiếm lĩnh tri thức và phát triển năng lực, hình thành phẩm chất.

      Đây là hoạt động trọng tâm của giờ học, giáo viên nên lựa chọn những nội dung trọng tâm của bài học, vận dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để học sinh “học qua làm”.

      Muốn thực hiện tốt hoạt động này, giáo viên cần dự kiến các học liệu sẽ được sử dụng, giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh qua hệ thống phiếu học tập. Sản phẩm học tập của học sinh rất phong phú, đó có thể là đoạn văn viết theo mẫu, có thể là sơ đồ tư duy, có thể là những cảm xúc, cảm nhận cá nhân về tác phẩm, đoạn trích, hình tượng nghệ thuật, ngôn từ, cách lập luận… trong bài học. Trong quá trình “làm” học sinh sẽ bộc lộ năng lực của mình, sẽ học được từ những cái sai của bản thân và các bạn; rèn luyện kĩ năng thuyết trình, tự đánh giá và đánh giá; kĩ năng hợp tác….

      Giáo viên là người tổ chức cho học sinh hoạt động hiệu quả, dự kiến trước các phương án trả lời, tình huống sư phạm; gợi mở, hỗ trợ học sinh thực hiện nhiệm vụ; nghiệm thu sản phẩm học tập; chốt lại những vấn đề trọng tâm của bài học. Để nghiệm thu sản phẩm, giáo viên cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau theo bảng kiểm, phiếu đánh giá trước khi nộp sản phẩm. Cuối cùng, giáo viên đánh giá sản phẩm của học sinh, chốt kiến thức ngắn gọn theo nội dung bài học

      Hoạt động 3: Luyện tập

      Tổ chức cho học sinh luyện tập vận dụng kiến thức và kĩ năng để thực hiện các nhiệm vụ nhằm khắc sâu kiến thức trọng tâm của bài. Giáo viên tạo ra các bài tập hoặc nhiệm vụ để thông qua đó, học sinh được lặp lại các thao tác, kĩ năng như phân tích, giải thích, so sánh, suy luận, tổng hợp… Bên cạnh đó giáo viên cần vận dụng phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực để hoạt động luyện tập trở nên phong phú, hấp dẫn và học sinh được hoạt động một cách hào hứng và hiệu quả.

      Sản phẩm của hoạt động luyện tập cũng được học sinh tự đánh giá, đánh giá lẫn nhau qua bảng kiểm và phiếu đánh giá theo tiêu chí. Giáo viên có thể kết hợp đánh giá và cho điểm với các sản phẩm có chất lượng tốt.

      Hoạt động 4: Vận dụng

      Mục tiêu của hoạt động vận dụng là phát triển năng lực của học sinh thông qua vận dụng kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn. Vì vậy giáo viên cần xác định được các tình huống hợp lí để học sinh phát huy kiến thức đã học để giải quyết một cách chính xác, khoa học.

      Có hai cách cơ bản để tạo tình huống cho học sinh vận dụng là: vận dụng giải quyết các vấn đề trong học tập (Ví dụ: đọc hiểu văn bản cùng thể loại, cùng thời kì..); vận dụng giải quyết các tình huống trong cuộc sống (gắn liền với bản thân học sinh; các vấn đề xã hội phải vừa sức…).

      Tùy vào từng bài dạy, chủ đề và sự phân phối thời gian, hoạt động vận dụng có thể được thực hiện trên lớp hoặc yêu cầu học sinh làm ở nhà theo các yêu cầu được cụ thể hóa trên phiếu học tập giáo viên giao cho học sinh.

      Sản phẩm của hoạt động rất phong phú: có thể là bài văn, đoạn văn, file trình chiếu, tranh vẽ, video,… theo nhóm hoặc cá nhân. Với những chủ đề học tập, sản phẩm có thể là dự án của nhóm hay tập thể lớp.

      Tóm lại, để thiết kế giáo án ngắn gọn, dễ thực hiện, giáo viên cần quán triệt để khắc phục quan niệm đã ăn sâu vào nhận thức: coi trọng kiến thức lí thuyết hơn thực hành, giáo viên làm việc nhiều còn học sinh hoạt động ít và thụ động./.

                                                        Người viết: Nguyễn Liên