Bắt nạt trực tuyến: Vấn nạn của thời đại công nghệ số

      Bắt nạt trực tuyến (cyberbullying) đã trở thành một vấn đề phổ biến hiện nay. Bắt nạt trực tuyến là hành vi ám hại, đe doạ, sỉ nhục hoặc làm bất lợi người khác thông qua sử dụng công nghệ, chẳng hạn như mạng xã hội, tin nhắn văn bản, email hoặc bài viết trên trang web.

      Người bắt nạt sẽ sử dụng những lời nói xúc phạm, đăng tải các dòng trạng thái đả kích, khiếm nhã, quấy rối hoặc kêu gọi tẩy chay trên cộng động mạng, thậm chí còn sử dụng các hình ảnh, video biếm họa để chỉ trích, hạ nhục người khác. Theo số liệu thống kê nhận thấy, ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cứ 10 em thì có khoảng 3 em là nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến.

      Ở Việt Nam nhiều trường hợp cha mẹ đưa các bạn trẻ đến trung tâm trong tình trạng hoang mang, lo sợ, hoảng sợ. Có bạn chia sẻ rằng mình bị bạn thân tung lên mạng những đoạn chat, hình ảnh để hăm dọa, đe dọa khiến bạn học sinh trở nên căng thẳng, stress và mất ngủ triền miên…

      Nếu xét về cơ bản thì hình thức bắt nạt trực tuyến khác giống với bắt nạt thông thường. Tuy nhiên cũng có một số điểm đáng chú ý như:

      – Nạn nhân bị bắt nạt thường rất khó xác định được đối tượng hoặc nhóm đối tượng bắt nạt mình hoặc không biết rõ nguyên nhân tại sao họ lại có những hành động đó.

      – Nạn nhân có thể gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn so với hình thức bắt nạt thông thường. Cũng bởi các nội dung gây rối, hạ nhục, phỉ báng nạn nhận sẽ rất dễ bị lan truyền và được chia sẻ rộng rãi nhiều nơi.

      – Thậm chí nạn nhân có thể bị quấy rối, tấn công mạng bất cứ khi nào họ tiếp xúc với mạng xã hội hoặc khi kiểm tra tin nhắn, email, cuộc gọi,…

1. Một vài dạng bắt nạt trực tuyến

      – Nhắn tin, gửi các thông điệp thô lỗ, công kích nhằm mục đích xúc phạm, lạm dụng hoặc bạo hành. Viết những bình luận hoặc bức hình gây khó chịu, xấu hổ ở trên mạng xã hội hoặc trong các trò chơi điện tử trực tuyến.

      – Cố tình sử dụng các ngôn ngữ công kích để thu hút nhiều người vào cuộc tranh luận gây đau khổ cho người khác.

      – Gửi các thông tin giả mạo, không đúng sự thật và gây tổn hại cho người khác. Có thể là chia sẻ hình ảnh của người khác với mục đích lan truyền tin xấu và lời thị phi để chế giễu.

      – Tình trạng đột nhập vào các tài khoản email hay mạng xã hội hoặc lập các trang giả mạo người khác để đăng gửi các hình ảnh đáng xấu hổ của người bị bắt nạt.

      – Hành động cố tình loại bỏ một ai đó ra khỏi nhóm tin nhắn hoặc các nhóm khác trên mạng xã hội, trang mạng chơi game,…

      – Sự lặp đi lặp lại các hành động như gửi tin nhắn, thông điệp đe dọa, quấy rối để làm tổn thương một người nào đó qua mạng xã hội và các kênh trực tuyến.

2. Một số dấu hiệu để bạn nhận biết nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến

      – Luôn có cảm giác buồn bã, chán nản, tuyệt vọng khi sử dụng mạng xã hội hoặc cảm giác này sẽ kéo dài sau đó.

      – Tức giận, khó chịu hoặc hoảng loạn, mất kiểm soát sau khi nhìn thấy các nội dung đe dọa, hạ nhục, chửi bới trên mạng.

      – Có xu hướng né tránh, không muốn tụ tập với bạn bè, gia đình.

      – Thay đổi tâm trạng bất thường, khó kiểm soát suy nghĩ của bản thân.

      – Mất tập trung, rối loạn giấc ngủ, thay đổi thói quen ăn uống.

      – Có cảm giác lo lắng, bất an, kích động khi có thông báo tin nhắn, email mới.

3. Cách ngăn chặn bắt nạt trực tuyến

      – Chia sẻ với gia đình và nhà trường: Cha mẹ chính là chỗ dựa tinh thần tốt nhất để bạn có thể mạnh mẽ vượt qua được mọi khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. Người lớn sẽ có nhiều kinh nghiệm, đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp bạn trở nên tốt hơn, xử lý tốt mọi tình huống đe dọa, uy hiếp, hạ nhục của người khác. Đồng thời, phụ huynh cũng cần tìm gặp giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng nhà trường để thông báo về tình huống này.

      – Báo cáo nội dung xấu, chặn tài khoản: Trong trường hợp không biết cụ thể về đối tượng bắt nạt trực tuyến thì tốt nhất bạn hãy chặn tài khoản của đối tượng này. Đồng thời, để tránh bị lạm dụng bởi các đối tượng xấu bạn cũng nên điều chỉnh quyền riêng tư, nâng cao tính bảo mật của các trang mạng cá nhân đang sử dụng.

      – Hạn chế tiếp cận công nghệ, mạng xã hội: Đối với xã hội hiện nay thì việc hạn chế tiếp xúc với mạng xã hội có thể là điều vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nạn nhân của tình trạng bắt nạt trực tuyến lại không thể cưỡng lại được sự tò mò và cám dỗ mà liên tục truy cập vào các trang mạng để xem các thông tin, bài đăng bàn tán về mình. Tuy nhiên, điều này lại càng khiến họ trở nên lo lắng, bất an nhiều hơn. Chính vì thế, cách tốt nhất đó chính là hạn chế thời gian tiếp xúc với mạng xã hội, tự đặt ra quy định về việc nhắn tin, lướt web.

      – Trình báo cơ quan chức năng để ngăn chặn hậu quả của Cyberbullying: Đối với một số trường hợp thủ phạm có các hành vi, lời nói xúc phạm nghiêm trọng hoặc vu khống làm ảnh hưởng đến danh dự, công việc, thiệt hại tài sản thì bạn hoàn toàn có thể trình báo lên cơ quan chức năng để được điều tra và xử lý nghiêm. Trước khi tố cáo bạn cần thu thập đầy đủ bằng chứng của kẻ bắt nạt trực tuyến, đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về đối tượng đó. Trình báo với cơ quan chức năng là một trong những cách an toàn giúp bạn tự bảo vệ được chính mình và ngăn chặn được các hành vi đe dọa, uy hiếp của những đối tượng xấu. Ngay khi nhận thấy các hành vi hoặc đoạn tin nhắn, thông tin sai lệch, xúc phạm, hạ nhục bản thân được đăng tải trên trang mạng xã hội bạn cần thông báo với cơ quan chức năng để được can thiệp và xử lý kịp thời.

      Bắt nạt trực tuyến nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực tâm lý, đời sống hàng ngày của nạn nhân. Vì thế, trước khi sử dụng mạng xã hội bạn cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để hạn chế tối đa các phiền toái có thể xảy ra. Hi vọng qua thông tin của bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về Cyberbullying và biết các ngăn chặn hiệu quả.

Người viết: thaotp