Tôn trọng bản quyền trong tin học
1. Quyền tác giả
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Trong luật sở hữu trí tuệ được Quốc Hội ban hành ngày 25 tháng 6 năm 2019, quy định quyền tác giả đối với tác phẩm (bài thơ, bài báo, bức tranh, hình vẽ, chương trình máy tính, sưu tầm dữ liệu,….) bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Trong đó:
Quyền nhân thân bao gồm các quyền: Đặt tên cho tác phẩm; Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kì hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác phẩm,…
Quyền tài sản bao gồm các quyền: Làm tác phẩm phái sinh; Sao chép tác phẩm; Truyền đạt tác phẩm đến công chúng; Cho thuê bản gốc hoặc bản sao chương trình máy tính,…
2. Vi phạm bản quyền đối với các sản phẩm tin học
Trong tin học, các bộ sưu tập dữ liệu hay phần mềm cũng là các sản phẩm trí tuệ. Từ tác phẩm, người ta có thể tạo ra những bản dẫn xuất, được gọi là tác phẩm tái sinh. Vi phạm quyền tài sản hay quyền nhân thân đều là vi phạm bản quyền. Hành vi vi phạm bản quyền rất đa dạng. Ví dụ: bạn A mua một phần mềm có bản quyền trên đĩa CD, sau khi cài đặt trên máy tính của mình A còn cài thêm trên máy của một bạn thân. Hay bạh B sao chép các đĩa cài đặt phần mềm; mượn tài khoản để cùng học; phá khóa phần mềm chỉ để thử khả năng phá khóa chứ không dùng…
Trong tin học, khi mua phần mềm, cần phân biệt rõ việc mua bản quyền với mua quyền sử dụng (licence).
+ Khi mua bản quyền thì người mua có quyền thực hiện các hoạt động kinh doanh đối với tác phẩm đó giống như cách Google mua Youtube.
+ Còn nếu chỉ mua quyền sử dụng thì chỉ được sử dụng. Quyền sử dụng phần mềm máy tính theo số máy được cài đặt. Nếu mua quyền sử dụng cho một máy rồi cài lại cho máy thứ hai là vi phạm bản quyền.
Sau đây là một số hành vi vi phạm bản quyền đối với các tác phẩm số:
+ Mạo danh tác giả.
+ Công bố mà không được phép.
+ Sửa chữa, chuyển thể phần mềm dữ liệu mà không được phép của tác giả.
+ Sử dụng phần mềm lậu, không mua quyền sử dụng phần mềm đối với các phần mềm phải trả tiền
+ Phá khoá phần mềm, vô hiệu hoá các biện pháp kĩ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thiết lập.
+ Làm bản phái sinh, phân phối dữ liệu hay phần mềm, kể cả bản phái sinh mà không được phép.
+ Chiếm đoạt mã phần mềm.
+ Đăng tải các tác phẩm, kể cả bản phái sinh mà không có sự cho phép của chủ sở hữu.
Trong lĩnh vực tin học, vi phạm bản quyền có thể gây thiệt hại rất lớn cho người đầu tư vì sản phẩm có một số đặc tính: Dễ sao chép với chi phí rất thấp; Dễ phát tán trên quy mô lớn. Nhà nước Viêt Nam đã có quy định rất rõ ràng về những hành vi vi phạm quyền tác giả. Ví dụ nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định những hành vi vi phạm bản quyền như sau:
Điều 10. Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
4. a) Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b) Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internetvà kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Điều 11. Hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi công bố tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 12. Hành vi xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh
1. Phạt `tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.