Khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh khi tham gia hoạt động chuyên đề
Luật Giáo dục sửa đổi năm 2010, điều 28.2, đã nêu rõ: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú, học tập cho học sinh”. Có thể nói cốt lõi của đổi mới dạy và học là hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động. Đặc biệt khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh khi tham gia các hoạt động chuyên đề.
Tính tích cực chủ động học tập có vai trò quan trọng trọng việc nâng cao hiệu quả học tập của người học. Sáng tạo là say mê, tìm tòi để tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần hoặc tìm ra cái mới, cách giải quyết mới mà không bị gò bó phụ thuộc vào cái đã có. Giáo viên trở thành người thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, gợi mở, xúc tác, động viên, cố vấn, trọng tài các hoạt động chuyên đề để học sinh tự lực chiếm lĩnh các kiến thức, chủ động đạt các mục tiêu, kĩ năng, thái độ theo yêu cầu của chuyên đề.
Sau đây là một số phương pháp giáo viên trường THPT Hoài Đức B đã sử dụng để khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo của học sinh khi tham gia hoạt động chuyên đề
1.Tư vấn gợi mở tìm ra lĩnh vực để thực hiện chuyên đề. Đây là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp học sinh đưa ra các giải pháp sáng tạo. Đưa ra các câu hỏi mở giúp học sinh có thể suy nghĩ theo quan điểm cá nhân, từ đó thử thách sự sáng tạo của bản thân mình. Các câu hỏi mở cũng tạo điều kiện để những học sinh kém hơn có thể tham gia và đưa ra ý tưởng mà không bị bỏ lại phía sau.
2. Giáo viên chủ nhiệm giao việc cho học sinh. Giáo viên tin tưởng, giao nhiệm vụ và yêu cầu học sinh chịu trách nhiệm cho các nhiệm vụ của mình. Điều này giúp học sinh cảm thấy được tôn trọng, được tin tưởng và phát triển tinh thần trách nhiệm. Từ đó thúc đẩy học sinh trong việc tham gia tích cực hơn vào hoạt động chuyên đề.
3. Làm việc theo nhóm và phân công nhiệm vụ cho từng nhóm. Khi học sinh làm việc theo nhóm, học sinh trong nhóm sẽ hình thành ý tưởng và phân công mỗi người thực hiện một nhiệm vụ. Hoạt động chuyên đề nhờ đó sẽ phong phú đa dạng, mỗi học sinh được phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của mình.
4. Cạnh tranh tích cực. Hãy tạo ra các cuộc thi, các trò chơi trong hoạt động chuyên đề mang tính cạnh tranh, đó là cách để tạo động lực tham gia tích cực và hiệu quả cho học sinh.
5. Giáo dục đạo đức học sinh thông qua hoạt động chuyên đề. Thông qua các hoạt động chuyên đề, giáo viên chủ nhiệm lồng ghép giáo dục mọi mặt cho học sinh một cách tự nhiên và được học sinh đón nhận thích thú, có hiệu quả.
6. Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lập của học sinh khi tham gia hoạt động chuyên đề. Giáo viên chịu trách nhiệm định hướng, điều chỉnh, điều khiển quá trình tự giáo dục của từng học sinh trong lớp học và tập thể lớp, phát huy vai trò chủ thể tích cực của học sinh trong hoạt động chuyên đề.
7. Phối kết hợp với Đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn, gia đình để hoạt động chuyên đề được thực hiện thuận lợi và có kết quả tốt. Mỗi lực lượng giáo dục đều có vai trò và chức năng riêng, giáo viên cần khai thác thế mạnh của các lực lượng đó, chủ động phối hợp quản lí và tổ chức giáo dục cho học sinh có kết quả tốt nhất.
8. Tôn vinh ý tưởng của học sinh, khen ngợi và có phần thưởng cho hoạt động chuyên đề tốt. Luôn hoan nghênh các ý tưởng của học sinh và thảo luận với học sinh về các vấn đề chung của chuyên đề. Cho phép học sinh được có tiếng nói và sự lựa chọn trong các hoạt động chuyên đề. Giáo viên có thể tạo ra các lời khen nhanh, mang tính cá nhân đối với những trường hợp học sinh có hành vi hoặc các ý tưởng , tiết mục tốt
9. Học sinh được trải nghiệm, được thực hiện các hoạt động chuyên đề trên sân khấu nhà trường. Cơ hội trải nghiệm là một nền tảng cần thiết để học sinh áp dụng những gì đã học trong lý thuyết trên lớp, từ đó cải thiện mức độ tự tin đối với chuyên đề thwucj hiện. Học sinh được thể hiện mình trên sân khấu của nhà trường. Học sinh được rèn kĩ năng bình tĩnh, tự tin, khi trình bày trước tập thể.
Chúng tôi tin rằng giáo viên biết kết hợp linh hoạt và vận dụng tốt sẽ phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của học trò. Các em có sân chơi bổ ích, lí thú. Các em có cơ hội để khẳng định và thể hiện mình. Học sinh của trường THPT Hoài Đức B thật tài năng khi thực hiện các chuyên đề thành công, để lại ấn tượng sâu sắc. Giáo viên trường THPT Hoài Đức B thật tâm huyết đã truyền được ngọn lửa đam mê, sáng tạo đến học trò. Các hoạt động chuyên đề ý nghĩa, hấp dẫn vẫn đang tiếp tục được hình thành.
Các hình ảnh hoạt động chuyên đề của thầy trò trường THPT Hoài Đức B đã thực hiện trong năm học 2022-2023. Dư âm ngọt ngào!
Chuyên đề: Những trang sách với cuộc sống (28/9/2022)
Chuyên đề: Chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20/10/2022
Chuyên đề: Từ trang sách đến cuộc sống trong dòng chảy 4.0 (5/12/2022)
Chuyên đề: Tự hào bản sắc văn hoá dân tộc(18/1/2023) Chuyên đề: An toàn giao thông vì tương lai của bạn (23/2/2023)
Chuyên đề: Giáo dục sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên(27/2/2023)
Chuyên đề: “Hoa hậu toán học”(4/4/2023)
Chuyên đề: “ Vang mãi khúc hùng ca”( 24/4/2023)
Người viết : Phí Thị Bích Liên