Một số phương pháp, kĩ thuật dạy văn bản “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) nhằm tạo hứng thú và phát triển năng lực cho học sinh

1. Phương pháp đóng vai

1.1. HS đóng vai tại lớp học: “TRÒ CHUYỆN CÙNG TÁC GIẢ”

    HS chuẩn bị hệ thống câu hỏi ở nhà và lên lớp đóng vai người phỏng vấn (phóng viên) và người trả lời phỏng vấn (nhà văn Tô Hoài) về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

    Sau khi HS phỏng vấn, Gv tổ chức cho HS nhận xét:

    – Về phía người phỏng vấn: Câu hỏi hợp lý chưa, có khả năng khai thác nhiều thông tin không? Dẫn dắt tự nhiên, khéo léo, cách giao tiếp thân tình, nhã nhặn chưa? Đã chăm chú lắng nghe người trả lời phỏng vấn chưa?

    –  Về phía người trả lời phỏng vấn: Câu trả lời rõ ràng, phù hợp với câu hỏi chưa? Thái độ giao tiếp thiện chí, chân thành, lịch thiệp không?

    – Sau đó GV nhấn mạnh kiến thức và đặt câu hỏi: Cảm xúc của em sau khi đọc xong “Vợ chồng A Phủ”?

1.2. HS đóng vai vở nhạc kịch MỊ DU XUÂN 

    Vở nhạc kịch xoay quanh cuộc hành trình du xuân vùng Tây Bắc của 2 nhân vật Mị và A Phủ sau khi thoát khỏi nhà của thống lí Pá Tra. Dưới ánh sáng của Đảng, Mị và A Phủ có cuộc sống mới tại Phiềng Sa.

2. Phương pháp tổ chức trò chơi “Giải ô chữ”

    HS trả lời câu hỏi ô chữ và sau đó trình bày những hiểu biết về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”.

TRÒ CHƠI Ô CHỮ (Hệ thống câu hỏi của Trò chơi Ô chữ )

  1. Ô chữ 1 gồm 8 chữ cái: Nỗi khổ của nhân vật Mị khi làm dâu được nhà văn Tô Hoài so sánh với con vật nào?
  2. Ô chữ 2 gồm 9 chữ cái: Tính cách nổi bật nhất của nhân vật Mỵ mà nhà văn muốn thể hiện trong tác phẩm?
  3. Ô chữ 3 gồm 11 chữ cái: Khi bị A Sử bắt cóc về nhà thống lí Pa Tra, Mị mang thân phận gì ?
  4. Ô chứ 4 gồm 12 chữ cái: Âm thanh của tiếng sáo trong đêm tình mùa xuân đã đánh thức khát vọng nào của Mỵ ?
  5. Ô chữ 5 gồm 8 chữ cái: Hành động của A Sử đối với Mỵ khi Mỵ muốn đi chơi Xuân?
  6. Ô chữ 6 gồm 9 chữ cái: Hành động của A Sử khi Mỵ ngồi xoa thuốc cho chồng?
  7. Ô chữ 7 gồm 8 chữ cái: Một trong những tác nhân quan trọng làm Mị thức tỉnh là gì ?
  8. Ô chữ 8 gồm 9 chữ cái: Thái độ của Mỵ khi thấy A Phủ bị trói?
  9. Ô chữ t9 gồm 7 gồm chữ cái: Hành động nào của Mị với A Phủ chứng tỏ lòng thương người và tinh thần phản kháng mạnh mẽ ở Mị?
  10. Ô chữ 10 gồm 6 chữ cái: Cảnh tượng nào góp phần tô đậm giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” ?
  11. Ô chữ 11 gồm 11 chữ cái: Có cô con gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa ?
  12. Ô chữ 12 gồm 10 chữ cái: Lúc nào cũng vậy dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi, hay đi cõng nước dưới khe lên, cô ấy…………………………………….. ?
  13. Ô chữ 13 gồm 12 chữ cái: Hành động nào của Mỵ sau khi cởi trói cho A Phủ?
  14. Ô chữ 14 gồm 16 chữ cái: Cách uống rượu của Mỵ ?
  15. Ô chữ 15 gồm 6 chữ cái: Mị và A Phủ điển hình cho nỗi thống khổ và khát vọng tự do của người dân vùng nào trước cách mạng ?

* Hình ảnh Ô chữ đã hoàn thành

    Ô chữ hàng dọc là “hiện thực, nhân đạo” đây là cụm từ chỉ hai giá trị tư tưởng mà nhà văn muốn thể hiện trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ.

3. Phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với thuyết trình

    GV cho 2 nhóm HS viết và thuyết trình bằng Sơ đồ tư duy về tác giả Tô Hoài và tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” sau đó tổ chức cho HS nhận xét, đánh giá.

   

4. Phương pháp sử dụng phiếu học tập

    HS sử dụng sách giáo khoa kết với chuẩn bị bài ở nhà, thu thập thông tin về nhân vật Mị để chắt lọc kiến thức và tiến hành trả lời câu hỏi qua hệ thống phiếu học tập mà GV đã giao việc cho học sinh

5. Phương pháp tổ chức du lịch qua màn ảnh nhỏ (Qua hình ảnh, video)

    HS theo dõi các hình ảnh, video được chiếu trên màn hình máy chiếu, HS tự khám phá, huy động kiến thức để tiến hành trả lời câu hỏi trực tiếp tại lớp học

    Sau khi HS được trải nghiệm qua những bức ảnh này GV đặt câu hỏi cho HS thảo luận và trả lời:

    Câu 1: Những bức ảnh này gợi cho em nghĩ đến vùng đất nào?

    Câu 2: Em có những hiểu biết, trải nghiệm ấn tượng gì về đất và con người  nơi đây?

  

    HS trình bày hiểu biết trải nghiệm của bản thân về mảnh đất và con người vùng cao Tây Bắc

6. Kĩ thuật khăn trải bàn

    GV giao nhiệm vụ cho HS chuẩn bị bài:

    Số phận của nhân vật Mị trước và sau khi làm dâu nhà  thống lý Pá Tra.

    – Trên tờ giấy A3, phần chính giữa sẽ ghi chủ đề thảo luận, phần còn lại sẽ được chia thành 4 phần cho 4 nhóm.

    – Các thành viên sẽ lần lượt ghi câu trả lời của mình vào trong phần được chia, thời gian ghi câu trả lời từ 3 – 5 phút.

    – Sau đó cử thành viên đại diện dán tờ giấy A3 trên bảng và thuyết trình.

    – Các thành viên còn lại sẽ lắng nghe, đánh giá và bổ sung thêm  ý kiến nếu có.    

7. Phương pháp giải quyết vấn đề bằng tình huống

    HS vận dụng hiểu biết của mình từ bài “Vợ chồng A Phủ” để giải quyết các tình huống trong thực tiễn cuộc sống GV đưa ra cho các nhóm.

    Tình huống 1: Nhân vật Mị là nạn nhân của bọn chúa đất miền núi độc ác, tàn bạo. Ngày nay, nạn bạo hành trong gia đình vẫn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Em hãy đề xuất những giải pháp thiết thực, có ý nghĩa về vấn đề này.

    Sản phẩm:

    – Trước hết, cần tăng cường giáo dục người dân không cưới vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định.

    – Phải có các chương trình tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức khác nhau như: sân khấu hoá, phiên toà giả định…

    – Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vụ việc bắt vợ, tảo hôn để răn đe.

    – Tuyên truyền hậu quả của nạn bạo hành đến với người dân

     – Tuyên truyền sâu rộng bộ luật “bình đẳng giới” tới cộng đồng và từng gia đình. Giúp họ nhận thức được rằng bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật

    Tình huống 2: Vợ chồng A Phủ là câu chuyện về một đôi trai gái người Mông ở miền núi cao Tây bắc cách đây mấy chục năm. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra trong câu chuyện này không phải chỉ là chuyện của ngày hôm qua mà còn là chuyện của hôm nay. Anh/chị suy nghĩ gì về điều này?

    Sản phẩm: Truyện đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân sinh, nhân bản, vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự cho đến tận hôm nay:

    – Con người cần được sống cho ra sống, không thể sống mà như đã chết được.

    – Hạnh phúc phải được xây dựng trên cơ sở tình yêu đích thực. Mọi sự áp đặt, ép buộc đều có nguy cơ dẫn đến bi kịch trong cuộc sống gia đình.

    – Cần phải đấu tranh với những hủ tục lạc hậu, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

    – Cần phải đấu tranh với nạn bạo hành gia đình….

    Việc vận dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học mới nhằm tạo hứng thú và phát triển năng lực cho HS qua dạy học văn bản “Vợ chồng A Phủ” trên đây sẽ là cơ sở, là điều kiện để nâng cao chất lượng dạy học cũng như tạo được hứng thú và phát triển nhiều năng lực cần thiết cho HS qua dạy học tác phẩm văn chương.

Người viết: Tố Uyên